Chăm sóc bệnh nhân xạ trị chữa ung thư như thế nào?
Nội dung bài viết
Xạ trị là phương pháp điều trị phổ biến thường được chỉ định trong việc điều trị ung thư. Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân cần có một chế độ chăm sóc cẩn thận, đảm bảo dinh dưỡng cũng như sinh hoạt an toàn. Vậy chăm sóc bệnh nhân xạ trị chữa ung thư như thế nào? Hãy cùng tham khảo trong bài viết sau đây.
1. Tìm hiểu về xạ trị chữa ung thư
Xạ trị là phương pháp sử dụng dựa trên sự phá hủy bởi các hạt hoặc các tia sóng có năng lượng cao như là tia Gamma, các chùm tia sóng điện tử, tia X,… tác động tới các tế bào ung thư nhằm kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư hoặc tiêu diệt chúng. Phương pháp xạ trị tốn kém về thời gian, kinh tế và khá phức tạp, đồng thời phương pháp này cũng để lại một số tác dụng không mong muốn cho người bệnh.
Ngoài ra, các bác sĩ còn kết hợp với một số phương pháp điều trị khác như hóa trị, phẫu thuật với tác dụng làm giảm kích thước, kìm hãm sự phát triển của khối u ác tính. Phương pháp xạ trị cần tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là vài tuần mới có hiệu quả điều trị. Khi kết thúc xạ trị các tế bào ung thư tiếp tục chết dần trong vòng vài tháng hoặc có thể hơn.
2. Các phương pháp xạ trị chữa ung thư đang được sử dụng
Mỗi loại bệnh ung thư khác nhau thì sử dụng những phương pháp xạ trị khác nhau tùy vào giai đoạn phát triển tế bào ung thư của người bệnh. Hiện nay có 3 loại xạ trị chữa bệnh ung thư chính là xạ trị chùm tia trong, xạ trị chùm tia ngoài và xạ trị toàn thân. Để có thể lựa chọn phương pháp phù hợp nhất thì cần dựa vào một số yếu tố quan trọng sau:
- Loại ung thư đang gặp phải.
- Vị trí khối u.
- Kích thước khối u.
- Các phương pháp điều trị ung thư trước đó của bệnh nhân.
- Tình trạng người bệnh.
- Tiền sử bệnh tật của bệnh nhân mắc ung thư.
- Khoảng cách của tia bức xạ tới khối u.
- Một số yếu tố khác của người bệnh như giới tính, tuổi tác…
2.1. Xạ trị trong
Xạ trị trong hay với tên gọi khác là xạ trị áp sát. Nguồn phóng xạ, có thể là rắn hoặc lỏng được truyền vào bên trong cơ thể bệnh nhân bằng cách cấy vào khu vực có khối u hay tiếp giáp với khối u để tăng khả năng điều trị. Xạ trị trong thường áp dụng cho khối u nhỏ và cần phương pháp xạ trị cao hơn mức bình thường.
Nguồn phóng xạ đặt trong khối u hoặc các khoang cơ thể chứa khối u ở các hình dạng như ống, sợi, hạt,… và chỉ tác động tới một bộ phận nhất định trên cơ thể bệnh nhân. Trong thời gian sử dụng phương pháp này, bệnh nhân cần được cách ly để tránh lây nhiễm phóng xạ sang mọi người xung quanh.
2.2. Xạ trị chùm tia bên ngoài
Xạ trị ngoài là phương pháp sử dụng máy bên ngoài cơ thể với tia xạ chiếu vào vùng có khối u từ nhiều hướng thông qua máy gia tốc tuyến tính. Phương pháp này được điều trị tại chỗ, xạ trị một bộ phận cụ thể mà có tế bào ung thư. Đây là một trong các phương pháp được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Xạ trị proton để điều trị ung thư là một trong các phương pháp xạ trị ngoài hiện đại bậc nhất hiện nay. Phương pháp xạ trị proton nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách sử dụng các chùm tia proton với mức năng lượng cao. Các phương pháp xạ trị ngoài khác có thể làm tổn thương các tế bào lành nhưng xạ trị proton này làm giảm được tác dụng phụ đó. Đây là một ưu điểm vượt trội của phương pháp xạ trị proton.
2.3. Xạ trị toàn thân
Xạ trị toàn thân hay được sử dụng nhất ở một số bệnh nhân ung thư xương, ung thư tuyến giáp. Phương pháp này sử dụng các loại thuốc phóng xạ để điều trị ung thư, được sử dụng bằng cách uống, tiêm tĩnh mạch, đưa vào các khoang trong cơ thể, từ đó thuốc chứa chất phóng xạ sẽ được lan truyền khắp cơ thể để điều trị các tế bào ung thư.
Nếu sử dụng thuốc phóng xạ với liều thấp, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà mà không cần nằm viện. Nhưng khi sử dụng thuốc phóng xạ với liều cao, bệnh nhân phải được điều trị ở các cơ sở chữa bệnh, cách ly với người khác và điều trị dài ngày trong bệnh viện tránh tình trạng lây nhiễm phóng xạ sang người khác.
3. Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân xạ trị chữa ung thư
Khi thực hiện xạ trị thường xuất hiện một số tác dụng phụ với những triệu chứng như gây đau sau xạ trị, buồn nôn, nôn mửa, rụng tóc, chóng mặt, … Tất cả những triệu chứng trên đều do tổn thương cục bộ gây ra. Do đó, người thân cần phải đặc biệt lưu ý tới người bệnh, chăm sóc người bệnh trước khi xạ trị, trong quá trình xạ trị và sau khi xạ trị.
3.1. Chăm sóc trước khi xạ trị
Bệnh nhân trước khi tiến hành xạ trị nên có tư tưởng thoải mái, tránh căng thẳng lo âu, có tâm lý vững vàng. Đặc biệt trước khi xạ trị cần phải tăng cường sức khỏe bằng cách bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, hạn chế nhất có thể khả năng viêm nhiễm cục bộ, ảnh hưởng xấu tới cơ thể.
Bệnh nhân sau khi được thăm khám lần đầu sẽ được chụp CT mô phỏng, và lên kế hoạch xạ trị. Bác sĩ điều trị sẽ dựa vào kết quả khám chữa bệnh, tình trạng của bệnh nhân để lên kế hoạch xạ trị, liều lượng, thời gian, tia bức xạ cho phù hợp.
3.2. Chăm sóc trong quá trình xạ trị
Trong quá trình xạ trị, người bệnh sẽ thường xuyên gặp phải các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, đau,… cần phải tiến hành xử lý kịp thời. Người nhà chăm sóc bệnh nhân ung thư cần phải cho bệnh nhân uống càng nhiều nước càng tốt. Mục đích để giảm thiểu các phản ứng có hại trên cơ thể và các tổn thương cục bộ do xạ trị gây ra.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi và điều chỉnh để có phương pháp điều trị cùng liều lượng thuốc sao cho hợp lý nhất. Mục đích của xạ trị là tác động vào vùng có khối u ác tính, vì thế cần có biện pháp bảo vệ các bộ phận không cần xạ trị xung quanh. Bổ sung thuốc an thần, các loại vitamin có lợi cho người bệnh trong quá trình xạ trị.
3.3. Chăm sóc sau quá trình xạ trị
Đây là bước quan trọng nhất, chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị tốt sẽ giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh hơn, từ đó làm tăng hiệu quả điều trị. Cần phải chăm sóc sạch sẽ vùng da sau khi bị chiếu xạ nhằm tránh các kích ứng về mặt hóa học, vật lý,… tránh va chạm, cọ xát vì như vậy sẽ gây ra tình trạng loét sau khi xạ trị.
Với những trường hợp xạ trị cục bộ như xạ trị cho ung thư trực tràng, sau quá trình xạ trị, cần cho người bệnh ăn các loại thức ăn mềm để giảm áp lực lên trực tràng. Ngoài ra, bệnh nhân sau xạ trị thường gặp tình trạng táo bón hoặc đầy hơi, chướng bụng. Vì thế, bệnh nhân cần được bổ sung thêm rau củ quả, các thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Sau đợt xạ trị, người bệnh cần được nghỉ ngơi, bổ sung các chất dinh dưỡng đầy đủ nhằm phục hồi dần sức khỏe, tăng cường sức đề kháng để chuẩn bị cho những đợt xạ trị kế tiếp.
4. Lưu ý về chế độ ăn uống và sinh hoạt cho người bệnh điều trị bằng xạ trị
4.1. Chế độ ăn uống
Người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống của mình sau mỗi đợt xạ trị:
– Bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn nếu không ăn được nhiều trong một bữa.
– Ăn thức ăn mềm, nhiều nước.
– Hạn chế thức ăn nhiều đường, nên ăn nhiều chua để kích thích tăng nước bọt.
– Nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, như súp, canh,…
– Giảm thiểu tác dụng phụ bằng cách ăn đúng giờ, giúp người bệnh khỏe hơn.
4.2. Chế độ sinh hoạt
– Cần nghỉ ngơi nhiều hơn sau khi xạ trị.
– Hạn chế vận động mạnh, có thể tham gia một số hoạt động nhẹ nhàng: yoga, thiền định,…
– Theo dõi sức khỏe liên tục để tránh biến chứng sau xạ trị.
Điều trị ung thư có nhiều phương pháp khác nhau, như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Không phải xạ trị chữa ung thư được chỉ định cho mọi trường hợp. Tùy vào từng loại bệnh và mức độ cụ thể bác sĩ sẽ xem xét và đưa ra phương pháp điều trị sao cho hiệu quả nhất. Đồng thời, bệnh nhân trước, trong và sau xạ trị cần phải có một chế độ chăm sóc hợp lý để có thể giúp nâng cao sức khỏe trong suốt quá trình điều trị bệnh.