Nứt kẽ hậu môn ở trẻ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
Nội dung bài viết
Nứt kẽ hậu môn ở trẻ thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi, ít gặp ở trẻ lớn. Tình trạng này gây cho trẻ khó chịu, đau và chảy máu. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều tự lành và có thể điều trị tại nhà. Trong trường hợp áp dụng các biện pháp điều trị mà không thuyên giảm, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn cụ thể. Hãy cùng GHV KSol tìm hiểu những thông tin liên quan đến vấn đề nứt kẽ hậu môn ở trẻ qua bài viết dưới đây nhé!
Xem thêm:
- 05 Triệu chứng nhận biết sớm ung thư hậu môn
- Rò hậu môn ở trẻ sơ sinh: nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị
- Mổ nứt hậu môn bao lâu thì lành
1. Nứt kẽ hậu môn ở trẻ là gì?
Nứt kẽ hậu môn ở trẻ là tình trạng xuất hiện một vết rách nhỏ ở niêm mạc ống hậu môn của trẻ. Mặc dù tình trạng này chỉ là tổn thương nhỏ ở vùng hậu môn nhưng thường gây ra nhiều bất tiện, lo lắng, sợ hãi trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Nứt hậu môn ở trẻ khiến cho việc đi đại tiện gặp khó khăn, đau đớn và có thể kèm cả máu trong phân gây hoang mang cho cha mẹ.
2. Phân loại nứt kẽ hậu môn ở trẻ em
Tình trạng nứt hậu môn có thể được chia làm 4 loại tùy thuộc vào đặc điểm của các vết nứt, cụ thể:
Vết nứt non: Đây là tình trạng những vết nứt nông mới hình thành, phần da hậu môn còn mềm mại, không xơ chai, vì thế đôi khi có thể quan sát thấy máu đang chảy ra. Những trẻ bị nứt hậu môn với các vết nứt non có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhàng hơn các nhóm khác như đau rát, ngứa hậu môn.
Vết nứt già: Đây là trường hợp trẻ xuất hiện những vết nứt thường lớn và sâu hơn. Niêm mạc hậu môn quanh vết nứt bắt đầu có các dấu hiệu xơ chai, khi sờ vào thường có cảm giác thô ráp, ít khi thấy chảy máu. Nếu có các vết nứt già, trẻ có nguy cơ rách toạc khi đi đại tiện, khiến trẻ đau đớn nhiều hơn.
Vết nứt mới: Thông qua những triệu chứng khó chịu gặp phải, người bệnh tự phát hiện ra những vết nứt hậu môn. Những vết nứt mới này không dễ nhận ra, trừ khi cha mẹ đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để thăm khám.
Vết nứt cũ: Đây là những vết nứt hậu môn đã tồn tại được một thời gian, vết nứt này thường dễ quan sát thấy các vết xơ chai đi kèm, có trường hợp lòi ra thành một mẩu thịt nhỏ quanh lỗ hậu môn.
3. Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn ở trẻ
Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn rất đa dạng, nhưng chủ yếu là hậu quả của tình trạng táo bón, dẫn tới phân của trẻ quá lớn và cứng, khi đi qua ống hậu môn dễ gây tổn thương nứt hậu môn. Không những vậy, nứt kẽ hậu môn còn gây đau đớn khi đi ngoài càng khiến cho trẻ cảm thấy sợ hãi khi đi đại tiện. Điều này làm gia tăng nguy cơ táo bón, dẫn tới mạn tính. Đây bệnh lý gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của trẻ.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân dưới đây dẫn tới nứt kẽ hậu môn ở trẻ em:
- Do thói quen rặn khi đi đại tiện khiến cho lực đẩy phân quá mạnh qua ống hậu môn, từ đó gây áp lực hình thành vết rách ở hậu môn.
- Do viêm vùng hậu môn trực tràng hoặc viêm loét đại tràng.
- Có đến 80% trẻ em bị nứt kẽ hậu môn trong năm đầu đời mà chưa rõ nguyên nhân.
4. Triệu chứng nứt kẽ hậu môn ở trẻ em
Triệu chứng nứt hậu môn ở trẻ em khá rõ ràng và dễ kiểm tra. Cha mẹ cần lưu ý khi trẻ có những biểu hiện sau:
- Trẻ quấy khóc hoặc khó chịu, đau mỗi khi đi đại tiện.
- Khi trẻ đi đại tiện sẽ thải ra khối phân cứng và lớn, có lẫn máu tươi bọc bên ngoài.
- Đối với trẻ lớn hơn thì trẻ sẽ thường nhịn đi đại tiện để tránh cảm giác đau.
- Để rõ ràng nhất, cha mẹ nên kiểm tra hậu môn của trẻ để phát hiện ra vết rách dọc theo vùng da của ống hậu môn.
- Ngoài ra, trẻ còn có thể xuất hiện một số biểu hiện ngứa hoặc kích ứng da quanh hậu môn.
Trong trường hợp vết nứt hậu môn ở trẻ sơ sinh không lành và kéo dài trên 6 tuần, sẽ có nguy cơ cao trở thành mãn tính. Đây là một trong những biến chứng thường gặp nhất của nứt hậu môn ở trẻ em. Vết nứt sau khi lành vẫn dễ tái phát trở lại, do đó nếu vết rách rộng và khó lành, cha mẹ nên đưa trẻ điều trị chuyên khoa.
5. Nứt kẽ hậu môn ở trẻ có nguy hiểm không?
Tình trạng nứt kẽ hậu môn ở trẻ khá phổ biến. Tuy không phải là bệnh lý quá nghiêm trọng nhưng có thể gây những bất tiện và gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
Trẻ đau đớn khi đại tiện
Triệu chứng đau do nứt kẽ hậu môn thường xuất hiện khi đại tiện, lâu dần bệnh trở nặng hơn. Đau đớn khi đi đại tiện nên trẻ quấy khóc. Nếu nứt kẽ hậu môn do táo bón thì phân ra ngoài thường cứng, kích thước lớn và có lẫn máu đỏ tươi trên phân. Do đó, trẻ thường sợ đại tiện gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt thường ngày.
Kích ứng da vùng hậu môn
Nếu vết nứt kẽ hậu môn không được chữa trị đúng cách thì dễ dàng bị viêm nhiễm bởi vùng hậu môn thường xuyên ẩm ướt, đặc biệt là các bé còn đang mặc bỉm. Chính môi trường ẩm ướt khiến cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, tấn công. Phần da vùng hậu môn dễ bị kích ứng, lâu dần trở thành viêm nhiễm.
Biến chứng thành mãn tính
Nếu nứt kẽ hậu môn ở trẻ nếu kéo dài quá 6 tuần mà không khỏi, vết rách kéo dài hơn và khó điều trị khỏi. Lúc này, nứt hậu môn sẽ trở thành bệnh mãn tính và dễ tái phát nhiều lần, đồng thời tổn thương liên tục về cơ học. Ngoài ra, vết nứt lâu ngày sẽ rất khó điều trị khỏi hoàn toàn và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bé sau này.
6. Biện pháp chẩn đoán nứt kẽ hậu môn ở trẻ
Các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và khai thác các triệu chứng như: đại tiện có đau không, có chảy máu không, có lẫn máu trong phân không và có tiền sử bị táo bón hay tiêu chảy không.
Sau đó bác sĩ có thể soi đại tràng bằng ống mềm hoặc đo áp lực hậu môn để xác định nguyên nhân, cũng như loại trừ các bệnh khác như viêm đại trực tràng, viêm đường ruột…
7. Cách khắc phục nứt kẽ hậu môn ở trẻ em
Cha mẹ có trẻ bị nứt kẽ hậu môn có thể tham khảo các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây để cải thiện các triệu chứng cho trẻ:
Khắc phục nứt kẽ hậu môn ở trẻ bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống
Nếu trẻ bị nứt hậu môn do tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy, thì việc thay đổi chế độ ăn uống là biện pháp khắc phục tốt nhất giúp trẻ điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát. Cha mẹ nên thực hiện:
- Bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh, trái cây vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ. Trong trường hợp trẻ không thích ăn rau, cha mẹ có thể băm nhỏ hoặc xay nhuyễn rau trong cháo, súp để giúp cho trẻ dễ hấp thụ hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể ép nước trái cây hoặc làm sinh tố cho trẻ, vừa giúp cung cấp nước lại vừa giúp hỗ trợ điều trị táo bón.
- Để hạn chế các loại thức ăn có khả năng gây tiêu chảy, táo bón hoặc tác động xấu đến đường tiêu hóa của trẻ như: các loại thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, đồ ngọt, thực phẩm cay nóng…
- Cho trẻ uống nhiều nước, không cho trẻ uống nước ngọt có gas. Thay vào đó, khuyến khích trẻ uống nước lọc và các loại sữa hạt, sữa chua để tăng cường dưỡng chất và hệ miễn dịch cho cơ thể của trẻ.
- Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung men vi sinh cho trẻ. Các loại men vi sinh có thể giúp làm mềm phân, giúp trẻ tránh phải rặn khi đi đại tiện và hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Thay đổi lối sống để điều trị nứt hậu môn ở trẻ em
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần thay tã và vệ sinh hậu môn cho trẻ thường xuyên để giữ nó luôn sạch sẽ, khô ráo, đặc biệt là sau mỗi lần đi vệ sinh. Đối với trẻ lớn, cha mẹ nên khuyến khích con luyện tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng giúp tăng nhu động ruột, tăng lưu thông máu huyết và giúp việc cho việc đi đại tiện diễn ra dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, các cha mẹ cũng nên xoa bụng và tập cho bé thói quen đi đại tiện vào một khung giờ trong ngày. Sau khi trẻ đi vệ sinh xong, cha mẹ cần rửa hậu môn cho trẻ kỹ càng bằng nước sạch, sau đó có thể tiến hành ngâm hậu môn cho trẻ trong thau nước muối ấm từ 10 – 15 phút. Nước muối có khả năng kháng khuẩn, sát trùng, tiêu viêm và giảm đau rát, giảm ngứa ngáy. Đồng thời, cũng giúp hạn chế tình trạng chảy máu hậu môn trực tràng ở trẻ.
Trong trường hợp trẻ bị nứt kẽ hậu môn do khô da, bạn có thể dùng sáp vaseline hoặc dầu dừa để dưỡng ẩm da vùng hậu môn cho bé. Dầu dừa có tác dụng ức chế hoạt động của vi sinh vật gây bệnh ở hậu môn. Sau khi làm sạch và lau khô hậu môn của trẻ, cha mẹ có thể thoa dầu dừa lên vùng nứt kẽ và đợi dầu khô hoàn toàn. Nên thực hiện 2 – 3 lần/ngày cho đến khi các triệu chứng nứt kẽ hậu môn thuyên giảm.
Điều trị y tế chữa nứt kẽ hậu môn ở trẻ
Trong trường hợp cha mẹ đã áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà mà các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên trầm trọng hơn, cha mẹ nên đưa con mình đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám. Theo các bác sĩ, tùy vào từng trường hợp trẻ mà bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc giảm đau, corticosteroid dạng bôi hoặc kem chứa hydrocortisone để giảm bớt phản ứng viêm và các triệu chứng khó chịu ở hậu môn của trẻ.
Đối với vết nứt không lành sau 6 – 8 tuần, trẻ có thể cần phải tiến hành phẫu thuật để điều trị tình trạng này. Phương pháp phẫu thuật sẽ cắt một phần cơ vòng hậu để giảm co thắt và giảm đau, giúp vết thương ở hậu môn mau lành hơn. Sau khi kết thúc ca phẫu thuật, trẻ cần được theo dõi và chăm sóc tại bệnh viện để tránh xảy ra các biến chứng không đáng có.
8. Cách phòng ngừa nứt hậu môn ở trẻ em
Những thay đổi về chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt và lối sống sẽ giúp trẻ tránh bị nứt kẽ hậu môn. Các biện pháp phòng ngừa gồm có:
- Bổ sung vào bữa ăn hàng ngày cho trẻ nhiều chất xơ, tốt nhất là từ 20 – 35g chất xơ mỗi ngày.
- Cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất quan trọng giúp phòng ngừa táo bón – là nguyên nhân chính gây ra nứt hậu môn ở trẻ.
- Vận động thể chất đều đặn sẽ giúp tăng nhu động ruột, máu huyết lưu thông giúp dễ đi đại tiện.
- Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tránh rặn nhiều khi đi đại tiện vì sẽ tạo áp lực, gây rách hoặc tạo vết nứt ở hậu môn.
Bài viết trên đã chia sẻ những thông tin về tình trạng nứt kẽ hậu môn ở trẻ em. Hầu hết các trường hợp nứt kẽ hậu môn ở trẻ đều đáp ứng tốt với các biện pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ có các triệu chứng nghiêm trọng, cha mẹ nên chủ động đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
XEM VIDEO: TS Nguyễn Duy Nhứt chia sẻ về GHV KSOL trong hỗ trợ phòng và điều trị ung thư