Từ A-Z những điều cần biết về viêm bàng quang mãn tính

Viêm bàng quang mãn tính là bệnh như thế nào ? Có gây nguy hiểm không? Nguyên nhân gây bệnh từ đâu? Đâu là cách điều trị và phòng tránh bệnh này ? Hãy cùng GHV KSol tìm câu trả lời trong bài  viết này nhé

Xem thêm:

1. Viêm bàng quang mãn tính là bệnh gì?

Tình trạng các yếu tố gây bệnh xâm nhiễm, phát triển dẫn đến tổn thương, viêm nhiễm ở bàng quang được gọi là viêm bàng quang. Bệnh này được chia làm hai loại là cấp tính và mãn tính.

Trong đó, khi ở giai đoạn cấp tính nếu điều trị không đạt hiệu quả hoặc không dứt điểm thì sẽ dẫn đến viêm bàng quang mạn tính.

viem-bang-quang-man-tinh
Viêm bàng quang mãn tính là gì?

2. Nguyên nhân gây viêm bàng quang mãn tính

2.1. Nguyên nhân

Theo các nghiên cứu cho kết quả, những nguyên nhân sau đây có thể gây ra bệnh như:

  • Do vi khuẩn: Đầu tiên là phải kể đến E.coli, tiếp theo là Proteus, Enterobacter, Citrobacter. Bên cạnh đó còn có vi khuẩn họ cầu khuẩn mà chủ yếu là tụ cầu da (S. epidermidis) và cuối cùng là tụ cầu hoại sinh S. saprophyticus. Các vi khuẩn gây bệnh có thể lây khi quan hệ tình dục không an toàn.
  • Do thói quen nhịn tiểu, ngại đi tiểu hoặc ngồi lâu khi đi đại tiện, bị táo bón…
  • Vệ sinh không đúng cách: Thụt rửa sâu, sử dụng các chất tẩy rửa mạng để vệ sinh vùng sinh dục.
  • Mặc quần áo chật chội, bó sát, làm bằng chất liệu thấm hút kém, đặc biệt là đồ lót.
  • Cơ thể bị mất nước mà không được bù đủ kịp thời.
  • Do các bệnh lý ở các bộ phận khác của đường tiết niệu như sỏi thận, viêm niệu đạo hoặc một số bệnh lý phụ khoa khác

Có thể thấy phần lớn các nguyên nhân gây ra viêm bàng quang cấp cũng sẽ gây ra tình trạng viêm mãn tính. Đó là do ở giai đoạn cấp tính, các nguyên nhân này không được điều trị loại bỏ triệu để, nên có cơ hội phát triển nặng hơn dẫn đến viêm mãn tính.

2.2. Tại sao bệnh thường tái phát nhiều lần?

Như đã nói ở trên, thì viêm bàng quang mãn tính thường do nhiễm khuẩn gây ra. Tình trạng nhiễm khuẩn này không được điều trị kịp thời và dứt điểm thì rất dễ tái phát. Bên cạnh đó các thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh hàng ngày cũng tạo điều kiện cho bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

3. Triệu chứng khi bị viêm bàng quang mãn tính

Khi bị bệnh sẽ thấy xuất hiện những triệu chứng kéo dài dai dẳng như:

  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày nhưng lượng nước tiểu của mỗi lần ít, có khi chỉ có vài giọt.
  • Cảm giác buốt, nóng rát sau khi đi tiểu hoặc dọc theo niệu đạo.
  • Căng tức ở vùng bụng dưới gây cảm giác vừa muốn đi tiểu vừa thấy bí tiểu.
  • Nước tiểu có màu sắc lạ: Vàng đục hoặc vàng đậm. Một số trường hợp nước tiểu có mùi hôi, hoặc có mủ ở cuối bãi, thậm chí có thể tiểu ra máu.
  • Đau mỏi ở vùng thắt lưng, căng tức ở vùng xương chậu và cảm giác này giảm bớt sau khi đi tiểu.

Xem ngay >>> Triệu chứng của ung thư bàng quang – nhận biết sớm để chữa khỏi bệnh

4. Viêm bàng quang mãn tính có gây ra nguy hiểm không?

Nếu không điều trị viêm bàng quang hợp lý và kịp thời thì có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như:

  • Thiếu máu: Là biến chứng xảy ra khi tình trạng đi tiểu ra máu với số lượng lớn và kéo dài.
  • Xuất huyết ở bàng quang với các dấu hiệu nhận biết như đau quặn bụng dưới, đi tiểu ra máu toàn bãi…
  • Nhiễm trùng ngược dòng dẫn đến viêm cầu thận, suy thận, hoạt tử thận, thậm chí là ung thư thận
  • Tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn: Đó là do bàng quang ở vị trí rất gần với các bộ phận sinh dục nên viêm bàng quang mãn tính kéo dài rất có thể lây lan viêm sang các bộ phận này. Khi tình trạng viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục trở nên nghiệm trọng và không được chữa kịp thời thì rất có thể dẫn đến khó thụ thai, vô sinh.
  • Rối loạn chức năng bàng quang.

5.Chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang mãn tính

5.1. Chẩn đoán

Viêm bàng quang mãn tính muốn chẩn đoán chính xác thì bên cạnh hỏi khám những triệu chứng, các bác sĩ có thể cần thực hiện thêm một số kiểm tra như:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Để đánh giá các chỉ số như hồng cầu, bạch cầu, protein niệu hay lượng vi khuẩn có trong nước tiểu.
  • Nội soi bàng quang.
  • Chụp X-quang bàng quang.
  • Xét nghiệm máu.

Thông qua các kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ tiến hành phân tích và xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng thực tế của bệnh nhân. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, phù hợp.

5.2. Phương pháp điều trị

Sử dụng thuốc

Là phương pháp thường được các bác sĩ sử dụng để điều trị nguyên nhân cũng như triệu chứng của viêm bàng quang mạn. Phác đồ sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh được xây dựng theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Do đó, người bệnh nên tuân thủ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả điều trị tốt cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát.

viem-bang-quang-man-tinh-1
Dùng thuốc để điều trị

Điều trị bằng phẫu thuật

Thường được chỉ định với các trường hợp viêm bàng quang mãn tính do bàng quang bị tắc nghẹn ở cổ hoặc có sỏi bàng quang. Với sỏi bàng quang, tùy theo vị trí, số lượng và kích thước thì có thể tiến hành mổ lấy sỏi hoặc tán sỏi nội soi.

Bên cạnh đó, các phẫu thuật cũng được chỉ định để loại bỏ, điều trị các tổn thương bên trong bàng quang không chữa khỏi được bằng thuốc.

Điều trị bằng phương pháp kích thích thần kinh điện

Là kỹ thuật sử dụng xung điện để kích thích các dây thần kinh ở bàng quang. Nhờ đó giúp tăng cường lưu thông máu đến bàng quang, các nhóm cơ xương chậu cũng như kích thích tiết các chất làm giảm nhẹ cảm giác đau và các triệu chứng khác của viêm bàng quang mãn tính.

Cân bằng và điều chỉnh lối sống trong khi điều trị viêm bàng quang mãn tính

  • Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, có nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ. Hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, socola, cà chua, bia rượu và những thực phẩm có tính acid cao như dưa muối, đồ hộp…
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá cũng như nhịn tiểu.
  • Vận động rèn luyện cơ thể phù hợp với sức khỏe của bản thân.
  • Thư giãn tinh thần, giảm áp lực trong công việc và cuộc sống.
  • Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

6. Phòng bệnh viêm bàng quang mãn tính như thế nào?

viem-bang-quang-man-tinh-2
Tập luyện kết hợp với ăn uống phù hợp
  • Trước hết là phải phát hiện, điều trị kịp thời, dứt điểm viêm bàng quang từ giai đoạn cấp tính.
  • Vận động thường xuyên, tránh ngồi lâu ở một chỗ.
  • Không nên nhịn tiểu. Nên đi tiểu trước và sau khi thực hiện quan hệ tình dục.
  • Vệ sinh vùng sinh dục đúng cách, nhất là với chị em phụ nữ. Khi tắm hoặc lau chùi sau đi vệ sinh thì nên lau từ trước ra sau, tránh làm ngược lại. Tắm bằng vòi hoa sen thay vì ngâm người trong chậu hay bồn tắm.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích vùng sinh dục hay lạm dụng dung dịch vệ sinh vùng kín.
  • Uống đủ khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày, chia thành nhiều lần uống trong ngày, không uống quá nhiều trong một lúc.
  • Chế độ ăn uống cân bằng kết hợp với chế độ luyện tập thích hợp, thường xuyên.
  • Không tự ý sử dụng thuốc điều trị các bệnh, nhất là những bệnh liên quan đến đường tiết niệu. Đi khám bác sĩ khi gặp các vấn đề về sức khỏe hoặc định kì 3-6 tháng/lần.

Từ đây có thể rút ra kết luận viêm bàng quang mãn tính có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Do đó mỗi người cần có những hiểu biết về bệnh cũng như có biện pháp phòng tránh phù hợp.

XEM VIDEO: Siêu âm có phát hiện ung thư bàng quang không? Cần thêm các xét nghiệm nào?