Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng, nguy hiểm và điều trị

Viêm bàng quang xuất huyết là một loại bệnh nguy hiểm ở đường tiết niệu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Chính vì  vậy, bài viết này của GHV KSol sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng quan về tình trạng viêm bàng quang xuất huyết.

Xem thêm:

1. Viêm bàng quang xuất huyết là gì?

Viêm bàng quang xuất huyết là tình trạng viêm nhiễm nặng dẫn đến tổn thương, lở loét ở lớp niêm mạc bên trong bàng quang và các mạch máu. Từ đó dẫn đến hiện tượng chảy máu, tiểu ra máu.

Bệnh này là một sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy đau đớn ở phần bàng quang và bụng dưới đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường tiết niệu.

viem-bang-quang-xuat-huyet
Hình ảnh viêm bàng quang xuất huyết

Tùy thuộc vào lượng máu tìm thấy trong nước tiểu mà bệnh bàng quang xuất huyết được chia thành 4 loại cụ thể là:

  • Loại I: Chảy máu vi thể. Ở loại này người bệnh không thể nhìn thấy máu trong nước tiểu bằng mắt thường.
  • Loại II: Tình trạng chảy máu trong nước tiểu có thể quan sát được.
  • Loại III: Xuất hiện những cục máu li ti.
  • Loại IV: Là loại nặng nhất. Khi này xuất hiện những cục máu đông đủ lớn để chặn nước tiểu.

Mức độ nặng của bệnh tăng dần từ loại I đến loại IV, do đó cần phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.

2. Nguyên nhân gây viêm bàng quang xuất huyết

Nguyên nhân gây ra bệnh rất đa dạng, trong đó có thể kể ra là:

Tác dụng phụ của hóa, xạ trị

Theo các nghiên cứu cho thấy các hóa chất sử dụng trong hóa trị cũng như tác động của xạ trị có thể làm tổn thương đáng kể đến niêm mạc và mạch máu trong bàng quang. 

Do đó có thể dẫn đến viêm bàng quang xuất huyết ngay sau khi thực hiện các phương pháp này hoặc sau một khoảng thời gian từ vài tháng đến vài năm.

Do vi khuẩn

Các vi khuẩn có thể thông qua đường tiết niệu xâm nhập và gây viêm nhiễm, xuất huyết ở bàng quang. Bên cạnh vi khuẩn thì nấm và ký sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh nhưng tương đối hiếm gặp.

Một số nguyên nhân khác

  • Sỏi bàng quang và các bệnh đường tiết niệu sinh dục khác.
  •  Do thói quen nhịn tiểu, quan hệ tình dục không lành mạnh.
  • Hay các vấn đề về vệ sinh vùng kín, mặc quần áo chật, uống ít nước, thích đồ cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
  • Các vấn đề về tâm lý, căng thẳng, stress kéo dài cũng có thể gây ra bệnh…

3. Triệu chứng của viêm bàng quang xuất huyết

Có thể tìm thấy một số biểu hiện sau ở người bệnh:

  • Triệu chứng đầu tiên là đi tiểu ra máu: Ở thời kì đầu có thể chưa quan sát thấy máu rõ bằng mắt thường, nhưng thấy nước tiểu có màu sắc thay đổi, trở nên đục hơn và có màu vàng đỏ. Khi đến các giai đoạn tiếp theo có thể nhìn rõ thấy máu hoặc cục máu đông trong nước tiểu.
  • Tiểu gấp, buồn đi tiểu nhiều lần trong ngày, khi đi thì thấy tiểu rắt, tiểu bí và nóng rát khó chịu dọc theo đường tiểu.
  • Ngoài máu, thì có thể thấy mủ và mùi hôi khó chịu trong nước tiểu.
  • Đau buốt ở vùng lưng và bụng dưới. Đôi khi có thể kèm theo sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi không rõ lý do.
viem-bang-quang-xuat-huyet-1
Nước tiểu có máu

Xem ngay >>> 05 triệu chứng ung thư bàng quang giai đoạn sớm không nên chủ quan

4. Chẩn đoán viêm bàng quang xuất huyết

Trong quá trình chẩn đoán, việc đầu tiên là các bác sĩ sẽ tiến hành khai thác về triệu chứng, tiền sử bệnh lý cá nhân, gia đình cũng như tiền sử dùng thuốc hay các biện pháp điều trị khác. Đồng thời để đưa ra chẩn đoán chính xác, một số kỹ thuật có thể được thực hiện như:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Tìm vết máu và các dấu hiệu của sự nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm máu: Để đánh giá sự thay đổi của các thành phần máu khi bị nhiễm trùng, phát hiện các rối loạn chảy máu, thiếu máu…
  • Siêu âm, nội soi, chụp CT hoặc MRI: Nhằm xác định vị trí, đánh giá mức độ của tổn thương cũng như hình ảnh bất thường khác của bàng quang.

5. Bệnh viêm bàng quang xuất huyết gây nguy hiểm như thế nào?

Viêm bàng quang xuất huyết không chỉ gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời điều trị: 

Gây nhiễm trùng thận và suy thận

Khi bị bệnh kéo dài, vi khuẩn không chỉ sinh sôi, phát triển ở bàng quang mà còn có thể đi ngược lên và gây nhiễm trùng thận. Đây là một biến chứng nghiêm trọng hơn viêm bàng quang rất nhiều, thời gian bệnh càng lâu thì thận càng bị tổn thương và cuối cùng là dẫn đến suy thận. Các tổn thương không hồi phục này có thể diễn ra ở một hoặc đồng thời cả hai bên thận.

Gây hiếm muộn, vô sinh

Không chỉ gây ra các biến chứng ở thận, vi khuẩn gây viêm bàng quang xuất huyết kéo dài còn có thể lây nhiễm và gây bệnh cho các bộ phận sinh dục như âm đạo, dương vật.

Do đó nếu không điều trị bệnh kịp thời thì sẽ gây ảnh hưởng tới các hoạt động tình dục và khả năng sinh sản. Mức độ nhẹ thì giảm ham muốn, còn nặng thì có thể là khó thụ thai, vô sinh hiếm muộn, đặc biệt là với phụ nữ.

Đe dọa đến tính mạng

Đây được coi là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm bàng quang xuất huyết. Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng sẽ thường xuyên gây xuất huyết, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu máu trầm trọng, thậm chí là tử vong.

Suy giảm chất lượng cuộc sống

Các triệu chứng đau nhức, khó chịu, đi tiểu nhiều gây đảo lộn các sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống của người bệnh. Đồng thời khiến cho người bệnh mất ngủ, cảm thấy mệt mỏi, tâm trạng chán nản…

6 Điều trị viêm bàng quang xuất huyết

Việc điều trị phải phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể của bệnh nhân để đưa ra cách điều trị phù hợp. Trong đó, 2 phương pháp chủ yếu là sử dụng thuốc và phẫu thuật.

Dùng thuốc và các chế phẩm sinh học

  • Kháng sinh đường uống hoặc dạng truyền có thể được sử dụng để ức chế, loại bỏ vi khuẩn.
  • Truyền dịch tĩnh mạch để tăng lượng nước tiểu được đào thải và có thể được kết hợp với các thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ bàng quang.
  • Ngoài ra khi các bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng các thuốc đặt bàng quang để cầm máu, giảm đau.
  • Truyền máu với các trường hợp chảy máu nhiều, kéo dài gây thiếu máu.

Phẫu thuật

  • Tiến hành thủ thuật đặt ống thông vào bàng quang trong trường hợp cục máu đông làm chặn dòng nước tiểu, chảy máu nghiêm trọng.
  • Nội soi bàng quang tìm vị trí xuất huyết để thực hiện cầm máu bằng tia laser. Khi thực hiện biện pháp này, bệnh nhân sẽ được gây tê tủy sống trước khi tiến hành.
  • Với trường hợp tất cả các biện pháp điều trị khác đều không có hiệu quả thì phương pháp mổ cắt bỏ phần tổn thương ở bàng quang sẽ được chỉ định.

Cho dù là dùng thuốc hay phẫu thuật điều trị viêm bàng quang xuất huyết thì đều phải được thực hiện theo y lệnh của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc, nhất là kháng sinh. Vì việc dùng thuốc sai không chỉ không chữa khỏi bệnh mà còn có thể làm cho bệnh trở nên phức tạp hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị tiếp theo.

7. Biện pháp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa viêm bàng quang xung huyết tái phát

Mặc dù không thể ngăn chặn bệnh hoàn toàn, nhưng các biện pháp sau đây sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị đồng thời ngăn ngừa được nguy cơ bệnh tái phát:

viem-bang-quang-xuat-huyet-2
Tập thể dục thường xuyên
  • Uống nhiều nước mỗi ngày. Bạn nên bổ sung nước qua đường uống, qua các món ăn, nước lọc, nước ép hoa quả. Tránh uống bia rượu, cafe, nước ngọt có gas.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, đi ngủ đúng giờ và đủ giấc.
  • Giảm bớt áp lực công việc và cuộc sống, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
  • Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng. Tránh những đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, cay nóng, thức ăn đóng hộp, đồ muối chua…
  • Giữ vệ sinh cơ thể cũng như vùng kín đúng cách, tránh lạm dụng các hóa chất tẩy rửa.
  • Lựa chọn quần áo thoải mái, chất liệu thấm hút và thoáng khí, nhất là với đồ lót.
  • Quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn, chung thủy với bạn tình. Không nên quan hệ với nhiều người. Trong thời gian bị bệnh tốt nhất là nên hạn chế quan hệ hoặc kiêng đến khi khỏi bệnh.
  • Tích cực vận động, tập thể dục thể thao.

Như vậy, có thể thấy viêm bàng quang xuất huyết là một bệnh nghiêm trọng, cần được quan tâm điều trị và dự phòng kịp thời. GHV KSol hy vọng qua bài viết này đã đem lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc.

XEM VIDEO: TS Nguyễn Duy Nhứt chia sẻ về GHV KSOL trong hỗ trợ phòng và điều trị ung thư