Hướng về phía mặt trời
Cuộc thi viết: Sống như những đóa hoa, vươn về phía mặt trời – Năm thứ hai
Họ và tên: Nhà văn Phong Linh
Địa chỉ: Phường Tân Kiểng, Quận 7, TP Hồ Chí Minh
XEM THÊM:
- Viết tiếp những giấc mơ
- Ngoại là người phụ nữ tuyệt vời nhất
- Cô gái chiến đấu với ung thư khi đang mang thai
—————————————————————————
Hướng về phía mặt trời
Hãy để mỗi người trong chúng ta là một bông hướng dương rực rỡ trên cánh đồng ngập tràn hơi thở mùa hè. Dù khô hạn, dù sâu bệnh chúng ta vẫn cắm chặt rễ, thẳng lưng hướng về phía mặt trời.
Phật nói “như ý tự tại”, cái gì tới sẽ tới, cái gì đi sẽ đi. Bất luận ra sao thì con người cũng không có khả năng cản trở hay né tránh, vậy nên hãy cứ bình thản mà đón nhận. Dẫu biết là vậy, nhưng trên thế gian này có bao nhiêu người đủ dũng cảm để nói bản thân mình không sợ hãi? Có bao nhiêu người đủ bình thản để đón nhận những điều tồi tệ sẽ xảy ra? Và trong tất cả những điều tồi tệ nhất sẽ đến, có bao nhiêu người đủ mạnh mẽ để nói về cái chết của bản thân mình?
Từ ngàn xưa tới nay có bao giờ con người ngừng tìm kiếm các phương thuốc giúp kéo dài tuổi thọ? Có bao giờ con người thỏa mãn với số ngày họ được sống? Càng bước đến gần cái chết, bản thân lại càng không muốn chết. “Chết” chính là một từ cấm không ai muốn chạm vào, không ai muốn nhớ tới. Thế nhưng nó lại luôn tồn tại, đến và đi khi chúng ta vẫn chưa kịp cảm nhận về nó. “Chết” chính là thứ không thể tránh né của mỗi kiếp người, suy cho cùng nỗi sợ cái chết chính là khởi nguồn cho những nỗi tuyệt vọng.
Tháng 8 năm 2018, tôi nhận được cuộc gọi của mẹ lúc 10h tối, chưa bao giờ mẹ gọi tôi muộn như vậy. Một ngày yên bình, một buổi tối yên bình, tất cả đều yên bình ngoại trừ tiếng khóc của mẹ. Mẹ nói ông ngoại bị ung thư. Lần thứ hai trong suốt 20 năm cuộc đời, tôi lại rơi vào nỗi sợ hãi tột độ. Ảo giác về cái chết của ông đang dần bao phủ lấy tâm trí tôi, đau đớn, sợ hãi, mọi giác quan bỗng chốc ngừng lại, còn trái tim tựa như bị bóp chặt, đau đến ngẹt thở. Một tờ giấy, một dòng kết luận vậy mà có thể dập nát tất cả những hoài bão, những khát khao, những hạnh phúc… của một con người.
Chỉ là một kẻ ngoài cuộc, chỉ là một người cảm nhận nỗi đau của người khác mà còn đau đớn đến thế, vậy những người trong cuộc sẽ mang tâm trạng nào khi cầm trên tay tờ giấy sinh tử của bản thân? Những ngày vật lộn chạy đua với thời gian, tôi đưa ông đi qua khắp các dãy hành lang của Bệnh viện Ung bướu (Hồ Chí Minh), hàng trăm khuôn mặt lướt qua đều mang cùng một vẻ u sầu. Tôi thấy những nỗi đau hằn sâu nơi đáy mắt họ, tôi thấy những nụ cười, những giọt nước mắt ngang dọc đan xen. Giữa biển người sầu khổ, ai cũng mong một phép màu sẽ đến với mình.
Tháng 9 năm 2018, ngày đưa ông nhập viện làm phẫu thuật, tôi và mẹ ngồi thẫn thờ nơi hành lang chờ đợi. Xung quanh chúng tôi là những cặp mắt đỏ hoe, có người đã khóc, có người ngậm ngùi thở dài. Trong số họ có những người là bậc sinh thành, có người là con cái, có người là vợ, là chồng, có người là anh chị em, người yêu, bạn bè của những bệnh nhân. Họ đều đang cầu nguyện, những lời cầu nguyện chân thành khắc khoải đau thương.
Tôi hiểu, với những bệnh nhân ung thư cuộc chiến của họ là những nỗi đau không hồi kết cả về thể xác lẫn tinh thần. Những cơn đau hành hạ, những cuộc phẫu thuật kéo dài, hóa trị, xạ trị, dẫu bao nhiêu thuốc giảm đau, bao nhiêu thuốc hỗ trợ cũng chẳng thể xoa dịu hết sự đau đớn nơi những thân xác hao gầy. Đôi lúc, khi nhìn vào những hình hài đau đớn, sầu não kia tôi luôn tự hỏi: “Khi sống là một nỗi đau, khao khát sống còn đau đớn gấp bội bạn sẽ chọn lựa như thế nào?”. Ung thư nó chính xác là cảm giác khi bạn buộc phải cầm trên tay một quả bom nổ chậm mà không thể vứt xuống. Chỉ một va chạm nhỏ cũng đủ khiến nó nổ tung thành ngàn mảnh, bạn run rẩy giữ nó trong lòng tay, thâm tâm lại sợ hãi muốn quăng nó đi thật xa. Cảm giác đó, nỗi bất lực đó chính là những gì bạn sẽ phải trải qua khi đối mặt với căn bệnh chết người này. Ung thư – nó đủ sức để khiến những con người mạnh mẽ, lạc quan nhất phải gục ngã. Nó đủ khả năng để xoay tròn số mệnh của hàng ngàn, hàng vạn con người trong trò chơi sinh tử không điểm dừng. Nó cướp đi những khát khao sống, cướp đi những niềm vui, những hoài bão, những nụ cười. Nó khiến cho mọi hy vọng dần tan biến, để rồi đến một ngày bạn chợt nhận ra cái chết chẳng còn gì đáng sợ nữa, rằng sống và tồn tại chỉ để mong mỏi một ngày nắng ấm áp , yên bình, mới chính là thứ đáng sợ nhất.
Nhưng chẳng phải chính Charles Kuralt cũng đã từng nói: “Ngay trong thế giới dữ dội, khó khăn, sự sống và niềm hy vọng vẫn tồn tại” hay sao? Ngay trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, ở nơi nào đó sẽ vẫn có những mầm non đâm chồi nảy lộc. Bạn nên hiểu ung thư không phải luôn luôn là giấy báo tử, tỷ lệ sống sót khi bị ung thư ngày càng cao và luôn tăng lên qua từng năm. Đặc biệt, với những bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu, tỉ lệ sống sót sau 5 năm được cải thiện một cách đáng kinh ngạc. Thậm chí đối với những bệnh nhân giai đoạn III và giai đoạn IV chất lượng sống sót cũng được cải thiện đáng kể.
Thế giới này vẫn đang từng ngày tiến bước, từng ngày hoàn thiện, và chúng tôi – những con người với trái tim tràn đầy nhiệt huyết vẫn đang ngày đêm nghiên cứu những phương pháp loại bỏ ung thư. Chính chúng tôi vẫn đang cố gắng không ngừng nghỉ vậy tại sao các bạn lại phải bỏ cuộc trong cuộc chiến dai dẳng này? Dẫu đau đớn, dẫu đôi chân rỉ máu trong mỗi bước đi, nhưng chỉ cần kiên trì và hy vọng rồi sẽ có ngày bạn chiến thắng.
Đã bao giờ bạn từng oán trách? Đã bao giờ bạn từng cảm thấy cuộc đời này bất công đến vô cùng? Chúng ta đều biết thế giới này vốn dĩ không công bằng, mỗi người trong chúng ta là một vì tinh tú khác nhau trên bầu trời rộng lớn. Và hiển nhiên những vì sao tinh tú ấy sẽ có một quỹ đạo quay khác nhau, tựa như số mệnh của mỗi con người trong thế giới này vậy. Bạn có thể không biết trước được bản thân sẽ bước tiếp được bao nhiêu ngày nữa, nhưng chẳng phải đôi chân bạn đã bước đến ngày hôm nay rồi hay sao? Quá khứ là những năm tháng thăng trầm ta đã bước qua, tương lai là một trang giấy trắng ta không biết bản thân sẽ viết tiếp được bao nhiêu dòng. Chỉ có hiện tại, ngày mà ta đang tồn tại, đang sống, ngày mà ta đang viết nên câu chuyện của cuộc đời mình mới chính là điều quan trọng nhất.
Và bạn biết không? Điều quan trọng đó, khi đang ngồi nơi đây, khi đang dõi theo những điều tôi viết thì bạn đã đạt được rồi. Bạn đã bước chân đến hiện tại, bạn đã sống trọn vẹn vào khoảnh khắc này. Vậy vì sao phải ngần ngại bước thêm vài bước nữa, để viết thêm vài dòng cho trang giấy trắng của tương lai? Sống để hy vọng và hy vọng để sống. Trân trọng chính hiện tại bạn sẽ có hy vọng vào tương lai, bởi lẽ hy vọng chính là nghị lực lớn nhất để bạn vượt qua mọi điều tồi tệ.
Thế nhưng sau tất cả, liệu bạn có thật sự đang sống? Rằng bạn sống chỉ để mỗi sáng thức giấc và biết rằng bản thân vẫn tồn tại? Bạn sống chỉ để hy vọng điều đó sẽ lặp đi lặp lại mỗi ngày một cách tẻ nhạt trong cuộc sống ngắn ngủi còn lại của bản thân mình hay sao? Vì cuộc sống ngắn ngủi, cuộc sống của những người sống chung với ung thư lại càng ngắn ngủi hơn. Chúng ta hy vọng để được sống, đó chính là một khởi đầu tuyệt vời, tuyệt vời nhưng chưa trọn vẹn. Bởi lẽ để trọn vẹn thật sự thì nó cần có nhiều thứ hơn là một khái niệm “sống chỉ để tồn tại”.
Đối với bệnh nhân ung thư, dù là đang trong quá trình sống sót trước mắt, sống sót kéo dài hay sống sót vĩnh viễn thì đó cũng là những cột mốc ám ảnh. Những chấn thương về thân thể và tâm lý mà ta gặp phải trong quá trình chấp nhận và điều trị sẽ vẫn còn dai dẳng. Ung thư – nó đến và mang cho mỗi chúng ta rất nhiều điều kỳ lạ trong cuộc sống, vài người thấy nó là ác mộng, là cái chết. Vài người thấy nó là cơ hội, là động lực để thực hiện những điều đã bỏ lỡ. Có những người lạc quan, dần chấp nhận và chung sống hòa bình. Có những người lại lo lắng về tương lai, sợ hãi nó sẽ quay trở lại. Cùng một thử thách nhưng mỗi người lại có một cách nhìn nhận khác nhau, cùng một căn bệnh nhưng chúng ta lại hơn thua nhau ở góc nhìn.
Đức phật nói: “thọ tự tại”. Cuộc sống là hữu hạn, không ai có thể an bài. Duyên vạn kiếp mà không lâu, kề bên một niệm mà không ngắn. Vì thế đừng bận tâm cuộc đời dài hay ngắn, mà chỉ nên quan tâm sống thế nào cho thật tốt. Đặt bàn tay lên trái tim đang đập nơi lồng ngực, nhắm mắt lại và quay ngược thời gian về những năm tháng quá khứ. Bạn đã nhận được những điều gì tốt đẹp trong cuộc sống này? Bạn có nhớ những ánh mắt, nụ cười, những câu nói chân thành của người khác dành cho bạn hay không? Khi chúng ta vứt bỏ lại tất cả phía sau, khi chỉ còn bản thân với căn bệnh bầu bạn. Thì ký ức chính là liều thuốc an thần, chính là giấc mộng đẹp nhất bạn không nỡ buông tay. Khi chúng ta chết đi, khi thân xác chúng ta trở nên trống rỗng, thì điều duy nhất ghi dấu sự tồn tại của chúng ta trên thế giới này chính là những ký ức trong tim người ở lại. Bạn có thể yếu đuối, bạn có thể khóc lóc, than thở, bạn có thể bi quan nhưng đừng bao giờ để chúng trở thành những hình ảnh cuối cùng của con người bạn trong ký ức kẻ khác.
Hãy truyền đi những gì đẹp đẽ nhất bạn nhận được đến với người cần chúng, hãy trao đi ngọn lửa rực cháy trong tim bạn đến thắp sáng những trái tim tăm tối, cô đơn. Trong thế giới rộng lớn này linh hồn của chúng ta luôn được gắn kết với nhau bằng lòng cảm thông và tình yêu thương, cho đi và nhận lại những điều tích cực không chỉ giúp bản thân bạn mà còn giúp tất cả mọi người sống tốt hơn. Để sống không chỉ là tồn tại mà còn là khát khao, là đấu tranh để sống một cách có ý nghĩa. Đó mới chính là một cuộc sống đích thực.
Câu hỏi đặt ra là “bạn sẽ lựa chọn như thế nào giữa một cuộc sống dài lâu nhưng lạc lối, không tìm ra ý nghĩa sống. Với một cuộc đời ngắn ngủi nhưng huy hoàng để ra đi luôn sống mãi trong tim người ở lại?”. Nếu là tôi, tôi sẽ luôn chọn kết thúc cho cuộc đời mình là một bản hùng ca ngắn gọn. Tôi luôn nghĩ rằng hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, tôi luôn chuẩn bị trước di chúc cho bản thân, để mỗi lần nhìn vào chúng, tôi lại cố gắng hết mình sống trọn vẹn từng phút giây. Tôi trao đi những nụ cười, những hy vọng, tôi trao đi những gì tốt đẹp nhất của bản thân cho người khác. Vì tôi biết, đôi khi đó có thể là điều cuối cùng tôi làm cho thế giới này.
Chúng ta sinh ra trong thế giới gần 8 tỉ dân, trong hàng tỉ người ấy chúng ta đã ghi lại được điều gì để chứng minh sự tồn tại của bản thân trong cuộc đời? Khi sinh ra, chúng ta cất tiếng khóc thật to để đánh dấu sự có mặt của mình trên thế giới, chúng ta lớn lên, đã, đang và sẽ sống một cuộc đời huy hoàng. Dù dài hay ngắn hãy luôn tự hào và mỉm cười mãn nguyện khi ra đi vì bạn đã sống một cuộc đời ý nghĩa. Tôi vẫn luôn tự nhủ: “vấn đề không phải chúng ta sợ chết hay không, mà là chúng ta sẽ sống như thế nào” – Joan Borysenko, và tôi mong rằng bạn cũng luôn tự nhủ với lòng mình như vậy.
Chúng ta ở đây, mỗi người đều có những số phận khác nhau, mang những nỗi đau khác nhau. Chúng ta không có chung ngoại hình, không chung gia đình, không chung cuộc sống, nhưng chúng ta đều cùng sống chung dưới bầu trời này, trên mảnh đất này. Hãy để mỗi người trong chúng ta là một bông hướng dương rực rỡ trên cánh đồng ngập tràn hơi thở mùa hè. Dù khô hạn, dù sâu bệnh chúng ta vẫn cắm chặt rễ, thẳng lưng hướng về phía mặt trời. Hãy luôn giữ vững niềm hy vọng vào cuộc sống, hãy luôn mỉm cười và cho đi, vượt lên mọi nỗi đau của số phận và đừng bao giờ hoài nghi vào bản thân mình. Rồi bạn sẽ tìm thấy nơi bình yên cho tâm hồn, để sống và chết đi không một chút muộn phiền.
Tựa như kết thúc mỗi mùa hoa, hạt giống sẽ bén rễ đâm chồi, chúng ta rồi cũng sẽ quay lại thế giới này viết tiếp bài ca của cuộc đời mình. Sống như những đóa hoa, vươn về phía mặt trời.
Nhà văn Phong Linh
Phường Tân Kiểng, Quận 7, TP Hồ Chí Minh
Nguồn: Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/huong-ve-phia-mat-troi-20201031104413562.htm
Thông tin liên hệ
*Điền thông tin để đặt hàng trực tuyến:
Giao hàng miễn phí, thanh toán tại nhà
- Hỗ trợ bổ sung các chất chống oxy hóa, hạn chế gốc tự do
- Nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe
- Hỗ trợ giảm tác dụng phụ của thuốc, hóa chất trong quá trình điều trị
- Hỗ trợ giảm triệu chứng viêm loét dạ dày, tá tràng