Suy thận cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị hiệu quả?
Nội dung bài viết
Suy thận cấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là có thể tử vong. Vì vậy, bài viết này GHV KSOL sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về suy thận cấp nhé!
Xem thêm:
- Người lính và sinh ra tử lần thứ 2 vì ung thư tuyến yên di căn xương
- Triệu chứng ung thư thận ở trẻ em
- Suy thận nên uống thuốc gì
1. Suy thận cấp là gì?
Suy thận cấp là tình trạng 2 thận bị suy giảm hoặc mất chức năng tạm thời dẫn đến việc rối loạn cân bằng nước và điện giải, mất cân bằng toan và kiềm và có thể gây phù và tăng huyết áp.
Nếu trong khoảng thời gian vài ngày hoặc vài tuần, các nguyên nhân gây bệnh được loại bỏ thì thận sẽ dần dần được phục hồi và hoạt động bình thường trở lại. Ngược lại, nếu những nguyên nhân gây bệnh không được loại bỏ sớm, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong rất cao do những biến chứng của suy thận.
2. Nguyên nhân suy thận cấp
Có 3 nhóm nguyên nhân gây suy thận cấp đó là nguyên nhân trước thận, nguyên nhân tại thận, nguyên nhân sau thận.
Nguyên nhân trước thận
Bao gồm những tác nhân làm giảm dòng máu hiệu dụng tới thận, gây giảm áp lực lọc cầu thận dẫn tới tình trạng thiểu niệu hay vô niệu:
- Sốc do giảm thể tích: Do chảy máu và mất nước quá nhiều.
- Sốc do tim: Tình trạng nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim hoặc loạn nhịp tim.
- Sốc do nhiễm khuẩn: Tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn máu, nhiễm khuẩn tử cung hay bệnh viêm tụy cấp.
- Sốc phản vệ.
- Sốc do chấn thương chảy máu nghiêm trọng.
- Sốc do tình trạng tan máu cấp dẫn tới tắc ống thận.
- Tình trạng nhiễm khuẩn do phá thai, sẩy thai hay sản giật.
Nguyên nhân tại thận
Bao gồm những nguyên nhân gây tổn thương thực thể tại thận, nói một cách dễ hiểu là do các bệnh lý ở thận gây ra:
- Bệnh cầu thận: Gây ra tình trạng viêm các mạch máu bên trong thận dẫn tới các bệnh mạch máu hệ thống, gây xơ cứng bì, tăng huyết áp, đông máu trong lòng mạch,…
- Bệnh mô kẽ thận: Những vi khuẩn xâm nhập vào mô kẽ thận gây viêm và dẫn tới tình trạng suy thận cấp.
- Bệnh ống thận: Có thể do thận bị nhiễm độc bởi một số tác nhân như thuốc gây mê, chất cản quang đường tĩnh mạch, kim loại nặng, nọc độc ong, nọc độc rắn, một số loại thuốc thảo mộc,…
Nguyên nhân sau thận
Là các nguyên nhân gây tắc đường dẫn tiểu của thận, như:
- Tắc ống thận.
- Tắc nghẽn tại thận do những cục máu đông, các loại sỏi hoặc tình trạng hoại tử nhú.
- Tắc niệu quản do có sỏi hoặc do bị chèn ép từ các cơ quan bên cạnh, chẳng hạn như u tử cung, u niệu đạo, u bàng quang,…
- Tắc niệu đạo: do tình trạng co thắt niệu đạo hoặc những bệnh lý về tuyến tiền liệt hay cũng có thể là các khối u bàng quang gây ra.
3. Suy thận cấp có mấy giai đoạn?
Các chuyên gia đã chia suy thận cấp thành 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1
Trong 24 giờ đầu, mệt, buồn nôn, nôn, khó thở, đau ngực, nước tiểu ít dần, vô niệu. Triệu chứng của nguyên nhân gây ra suy thận cấp như ngộ độc, nhiễm khuẩn, mất nước. Điều trị kịp thời và đúng cách có thể tránh tiến triển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2
Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu: toàn phát với các triệu chứng nặng và các biến chứng có thể tử vong.
- Kéo dài 1-6 tuần, trung bình sau 7-14 ngày người bệnh sẽ có nước tiểu trở lại.
- Thiểu, vô niệu, phù. Tuỳ theo thể bệnh mà vô thiểu niệu xuất hiện rất nhanh, đồng thời có triệu chứng thừa dịch như phù phổi, suy tim ứ huyết. Lượng nước tiểu khác nhau giữa các bệnh nhân. Có thể vô niệu hoàn toàn hoặc chỉ có vài ml/24giờ, thông thường là 50-100 ml/24giờ. Nếu dưới 100 ml/24giờ thì được coi là vô niệu, dưới 500ml/24giờ là thiểu niệu. Vô niệu là biểu hiện của hoại tử ống thận cấp, tuy nhiên vài ngày đầu có thể vẫn còn lượng nước tiểu dưới 100ml/ 24giờ. Nước tiểu sẫm màu, có thể có máu, mủ, đôi khi có vi khuẩn.
- Xét nghiệm nồng độ creatinin huyết tương tăng, các triệu chứng của tăng ure máu như chảy máu nội tạng, viêm màng ngoài tim, biểu hiện rối loạn não.
- Rối loạn điện giải, tăng kali máu gây ra các rối loạn nhịp tim như sóng T cao, QT ngắn, ngoại tâm thu thất, rung thất và xoắn đỉnh.
- Toan chuyển hoá: pH, HCO3 máu giảm, có khoảng trống anion. Người bệnh thở sâu, giãn mạch, tụt huyết áp.
Giai đoạn 3
Giai đoạn đái trở lại, trung bình từ 5-7 ngày
- Có lại nước tiểu 200-300ml/24giờ, lượng nước tiểu tăng dần 4-5lít/24giờ.
- Các nguy cơ: mất nước do đái nhiều, vẫn tăng urê, kali máu, rối loạn điện giải.
Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn phục hồi chức năng, tuỳ theo nguyên nhân giai đoạn này có thể kéo dài từ 2-6 tuần, trung bình khoảng 4 tuần. Xét nghiệm thấy nồng độ creatinin huyết tương, ure huyết tương tăng.
4. Dấu hiệu nhận biết suy thận cấp
Triệu chứng ban đầu của suy thận cấp là tăng cân và phù ngoại vi. Thông thường, các triệu chứng chủ yếu là các triệu chứng của bệnh đang mắc hoặc các triệu chứng của các biến chứng phẫu thuật gây suy giảm chức năng thận.
Các triệu chứng tăng ure máu có thể xuất hiện sau đó do lắng đọng các sản phẩm của nitơ. Các triệu chứng bao gồm:
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Nôn
- Yếu mỏi
- Rung giật cơ
- Co giật
- Giảm trí nhớ
- Hôn mê
- Run vỗ cánh và tăng phản xạ có thể gặp khi thăm khám. Đau ngực nặng hơn khi hít vào hoặc khi nằm, tiếng cọ màng ngoài tim và có thể có dấu hiệu chèn ép tim nếu xuất hiện viêm màng ngoài màng do tăng ure máu. Sự ứ đọng dịch ở phổi có thể gây khó thở và nghe phổi có tiếng ran nổ.
- Nước tiểu sẫm màu hoặc myoglobin niệu. Cầu bàng quang xuất hiện khi có tắc nghẽn đường ra bàng quang. Khi thận to lên cấp tính có thể cảm nhận thấy góc sườn cột sống căng cứng.
Ngoài ra, ở mỗi giai đoạn đều có sự thay đổi về số lượng nước tiểu như sau:
- Giai đoạn khởi phát: số lượng nước tiểu bình thường và lượng thay đổi phụ thuộc vào các yếu tố gây bệnh như lượng độc tố ăn vào, thời gian cũng như mức độ hạ huyết áp.
- Giai đoạn thiểu niệu: số lượng nước tiểu thường từ 50 đến 500 mL mỗi ngày. Thời gian của giai đoạn thiểu niệu thay đổi phụ thuộc vào nguyên nhân của suy thận cấp và thời gian điều trị.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng bị thiểu niệu. Các bệnh nhân thể bảo tồn nước tiểu có nguy cơ tử vong và gánh nặng bệnh tật thấp hơn và ít nguy cơ phải lọc máu hơn.
- Giai đoạn đái trở lại: số lượng nước tiểu gần như trở lại bình thường, nhưng nồng độ creatinin và ure huyết thanh vẫn chưa giảm trong vài ngày tiếp sau đó. Rối loạn chức năng ống thận có thể tồn tại trong vài ngày hoặc vài tuần và được biểu hiện bằng việc mất natri, đa niệu do không đáp ứng với vasopressin, hoặc nhiễm toan chuyển hóa tăng clo máu.
5. Nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc suy thận cấp
Những đối tượng sau đây có nguy cơ mắc bệnh suy thận cấp cao hơn người bình thường:
- Người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, bệnh suy gan, tình trạng cao huyết áp,…
- Người bị suy thận cấp do tình trạng nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
- Người tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc cản quang, hạ huyết áp do nhiều nguyên nhân khác nhau,…
6. Chẩn đoán suy thận cấp thế nào?
Để chẩn đoán bệnh suy thận cấp, cần phải dựa vào các yếu tố sau:
- Những đối tượng có nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ cao gây bệnh.
- Xuất hiện tình trạng vô niệu hay thiểu niệu cấp tính.
- Các chỉ số ure, creatinin máu tăng dần, kali máu tăng nhanh, pH máu giảm, dự trữ kiềm giảm.
- Mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 60 ml/ph.
Ngoài ra, các bác sĩ sẽ dựa vào một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
- Đo lượng nước tiểu: Số lượng bài tiết nước tiểu trong một giờ hoặc một ngày có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân của suy thận.
- Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích một mẫu nước tiểu có thể cho thấy những bất thường trong suy thận.
- Xét nghiệm máu: Đánh giá mức độ tăng nhanh chóng của urê và créatinine – hai chất được sử dụng để đánh giá chức năng thận.
- Chẩn đoán hình ảnh: Kiểm tra hình ảnh như siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể được sử dụng để giúp tìm hiểu nguyên nhân.
- Sinh thiết thận: Trong những tình huống nhất định, bác sĩ có thể khuyên nên sinh thiết thận để chẩn đoán xác định nhất là các bệnh cầu thận gây suy thận cấp.
7. Các phương pháp điều trị suy thận cấp
Nguyên tắc điều trị
- Nhanh chóng loại bỏ các nguyên nhân gây suy thận cấp nếu có.
- Điều chỉnh các rối loạn tuần hoàn, trong đó quan trọng nhất là phục hồi lại lượng máu và dịch, duy trì huyết áp tâm thu từ 100 – 120mmHg.
- Phục hồi lại dòng nước tiểu.
- Điều chỉnh các rối loạn nội môi do suy thận cấp gây ra
- Điều trị triệu chứng phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
- Khi cần thiết phải chỉ định lọc máu ngoài thận.
- Chú ý về chế độ dinh dưỡng, cân bằng nước và điện giải phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
Điều trị suy thận cấp theo nguyên nhân và theo giai đoạn tiến triển của bệnh trên từng đối tượng cụ thể, điều trị bao gồm:
Giai đoạn tấn công
- Điều trị để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh: bù đủ nước khi có mất nước, loại bỏ tắc nghẽn đường tiểu,…
- Theo dõi sát tình trạng thiểu niệu, vô niệu để có chẩn đoán suy thận cấp sớm.
Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu
- Giữ cân bằng nước, điện giải: đảm bảo cân bằng lượng nước vào ít hơn nước ra.
- Lợi tiểu: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
- Trường hợp suy thận cấp trước thận: Bù đủ thể tích tuần hoàn càng sớm
càng tốt, không dùng lợi tiểu nếu chưa bù đủ khối lượng tuần hoàn.
- Điều trị tăng Kali máu: hạn chế đưa K+ vào, loại bỏ các ổ hoại tử, chống nhiễm khuẩn. Dùng các thuốc đối kháng với kali, các thuốc đưa kali vào trong tế bào, lợi tiểu thải kali…Lọc máu cấp: khi điều trị tăng kali máu bằng nội khoa không kết quả và kali ≥ 6,5 mmol/l.
- Điều trị các rối loạn điện giải khác nếu có.
- Hạn chế tăng Nitơ phi protein máu: chế độ ăn giảm đạm, loại bỏ ổ nhiễm khuẩn.
- Điều trị chống toan máu nếu có.
- Điều trị các triệu chứng và biến chứng khác nếu có: tăng huyết áp, suy tim.
Chỉ định lọc máu cấp trong các trường hợp:
- Chỉ định lọc máu cấp cứu nếu không đáp ứng các biện pháp điều trị nội khoa tăng kali máu (K+ máu > 6,5 mmol/l).
- Khi có biểu hiện toan máu chuyển hoá rõ pH< 7,2 ( thường khi ure > 30 mmol/l, creatinin > 600 µmol/l).
- Thừa dịch nặng gây phù phổi cấp hoặc dọa phù phổi cấp.
Giai đoạn đái trở lại
Chủ yếu là cân bằng nước điện giải. Cần đo chính xác lượng nước tiểu 24h và theo dõi sát điện giải máu để kịp thời điều chỉnh.
- Khi tiểu > 3 lít/24h nên bù dịch bằng đường truyền tĩnh mạch, lượng dịch bù tuỳ thuộc vào lượng nước tiểu. chú ý bù đủ cả điện giải.
- Khi tiểu < 3 lít/24h, không có rối loạn điện giải nặng: cho uống Oresol.
- Sau khoảng 5 ngày nếu người bệnh vẫn tiểu nhiều cũng hạn chế lượng dịch truyền và uống vì thận đã bắt đầu phục hồi chức năng cô đặc. Theo dõi sát nước tiểu 24h để có thái độ bù dịch thích hợp
Giai đoạn phục hồi chức năng
- Vẫn cần chú ý công tác điều dưỡng: chế độ ăn cần tăng đạm khi ure máu đã về mức bình thường.
- Theo dõi định kỳ theo chỉ dẫn thầy thuốc.
- Tiếp tục điều trị nguyên nhân nếu có. Chú ý các nguyên nhân có thể dẫn đến suy thận mạn tính như bệnh lý cầu thận, bệnh lý kẽ thận,…
8. Biến chứng của suy thận cấp
Nếu không được điều trị kịp thời suy thận cấp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như sau:
- Tim mạch: Tình trạng thừa dịch (nước) nặng cùng với tăng huyết áp có thể gây phù phổi cấp, suy tim, phù não,…
- Thần kinh: Rối loạn thần kinh cơ, có thể co giật, hôn mê.
- Tiêu hóa: Viêm loét dạ dày ruột, viêm tuỵ cấp, xuất huyết đường tiêu hoá đây là một biến chứng rất nặng và làm tăng nguy cơ tử vong.
- Chuyển hoá: Bệnh nhân rất dễ bị mất nước và rối loạn điện giải như tăng Calci máu, tăng phospho, tăng acid uric, tăng magie máu.
- Nhiễm trùng: Bội nhiễm phổi, đường tiết niệu, vết thương ngoài da, nhiễm khuẩn huyết.
- Suy thận mạn: Suy thận cấp trong một vài trường hợp gây tổn thương thận kéo dài chức năng thận và tiến triển lâu dài đến suy thận mạn tính hoặc giai đoạn cuối bệnh thận. Những người có bệnh thận giai đoạn cuối đòi hỏi phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
9. Tiên lượng của bệnh suy thận cấp
Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại đã có nhiều bước tiến trong điều trị suy thận cấp, tuy nhiên tỷ lệ tử vong hiện tại còn khá cao.
- Với những bệnh nhân suy thận cấp sau mổ lớn, chấn thương nặng, bỏng nặng, nhiễm trùng tử cung sau đẻ, ngộ độc kim loại nặng, tiên lượng rất xấu.
- Nguyên nhân gây tử vong có thể do bệnh chính, do nhiễm khuẩn, hội chứng ure máu cao, kali máu cao.
- Tiên lượng còn phụ thuộc vào bệnh chính, kỹ thuật hồi sức, công tác hộ lý và các biện pháp đề phòng bội nhiễm nhất là bội nhiễm phổi và nhiễm khuẩn từ các vết thương, vết loét.
10. Nên có lối sống như thế nào để dự phòng suy thận cấp?
Bạn nên có một lối sống lành mạnh ngay từ bây giờ để tránh mắc phải căn bệnh suy thận cấp:
- Hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc có thể gây độc cho thận, nếu bắt buộc phải sử dụng hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Uống đủ 2-2,5 lít nước/ngày.
- Hồi sức tích cực cho các bệnh nhân chấn thương, bù đủ dịch sớm để đề phòng suy thận cấp trước thận.
- Giải quyết ngay các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường dẫn niệu khi được phát hiện nhằm ngăn ngừa biến chứng suy thận cấp.
- Truyền nước muối đẳng trương và máu để duy trì sự cân bằng dịch, thể tích máu và huyết áp ở bệnh nhân bị chấn thương, bỏng, hoặc xuất huyết trầm trọng và trong những ca phẫu thuật lớn.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc cản quang chứa iod. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc cản quang hãy sử dụng các thuốc cản quang dạng không ion hóa và áp suất thẩm thấu thấp hoặc áp suất thẩm thấu đẳng trương, tránh sử dụng NSAIDs và truyền tĩnh mạch dung dịch muối đẳng trương với tốc độ 1 mL / kg / h trong 12 giờ trước thăm dò sử dụng thuốc cản quang. Truyền dịch natri bicarbonat đẳng trương trước và sau sử dụng thuốc cản quang cũng có thể được sử dụng thay vì sử dụng dung dịch muối đẳng trương. N-acetylcysteine 1200 mg uống 2 lần/ngày trước và trong ngày sử dụng thuốc cản quang giúp ngăn ngừa bệnh thận do thuốc cản quang song các báo cáo về hiệu quả sử dụng còn đang gây tranh cãi.
- Trước khi liệu pháp ly giải tế bào được chỉ định ở một số bệnh nhân ung thư như u lympho, lơ xê mi, nên xem xét điều trị bằng rasburicase hoặc allopurinol cùng với làm tăng lưu lượng nước tiểu bằng cách tăng lượng dịch uống hoặc dịch truyền tĩnh mạch để giảm lượng tinh thể urat niệu. Kiềm hóa nước tiểu bằng cách cho uống hoặc truyền tĩnh mạch natri bicarbonate hoặc acetazolamid, nhưng có thể gây lắng đọng canxi phosphat và tinh thể trong nước tiểu và làm trầm trọng hơn tổn thương thận cấp.
- Hệ mạch thận rất nhạy cảm với endothelin, một thuốc co mạch có thể làm giảm lưu lượng máu qua thận và mức lọc cầu thận. Endothelin có liên quan đến tổn thương thận tiến triển và các thuốc đối kháng thụ thể endothelin đã thành công trong việc làm chậm lại hoặc thậm chí làm dừng lại bệnh thận trên thực nghiệm. Các kháng thể kháng endothelin và các thuốc đối kháng thụ thể endothelin hiện đang được nghiên cứu giúp bảo vệ thận chống lại tổn thương thận cấp do thiếu máu.
- Ngoài ra, cần duy trì thói quen rèn luyện thể dục đều đặn và vừa sức.
Suy thận cấp là một bệnh lý diễn biến âm thầm nhưng những biến chứng mà nó gây ra lại vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh thì ngay ngày hôm nay bạn hãy đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn để được khám và điều trị.
XEM VIDEO: Thời sự VTV1 19h 16/05/2017: SX thành công Phức hệ Nano Extra XFGC phòng và hỗ trợ điều trị ung thư
Thông tin liên hệ
*Điền thông tin để đặt hàng trực tuyến:
Giao hàng miễn phí, thanh toán tại nhà
- Hỗ trợ bổ sung các chất chống oxy hóa, hạn chế gốc tự do
- Nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe
- Hỗ trợ giảm tác dụng phụ của thuốc, hóa chất trong quá trình điều trị
- Hỗ trợ giảm triệu chứng viêm loét dạ dày, tá tràng